Thời yêu nhau, đôi lần anh đưa chị về nhà chơi, chị đã biết tính mẹ
anh không hiền, bà dễ gần, hay nói, nhưng nóng nảy, thích xét nét người
khác nên mất lòng không ít người. Có lúc bà rất xởi lởi vui vẻ, nhưng
lại có những lúc tính toán thiệt hơn căn cơ đến từng hào. Ngày chị quyết
định đi đến hôn nhân với anh, mẹ chị thương con, hết lời ngăn cản,
khuyên nhủ “Phận đàn bà lấy chồng là lấy cả nhà chồng, đã biết bến nước đục còn muốn neo cho khổ”.
Chị khi ấy vừa qua tuổi 22, chưa va vấp với đời, hiểu sao thấm lời ý
sâu xa mẹ nói, chị đơn giản nghĩ đến với anh bằng tình yêu chân thật,
không vụ lợi, toan tính, đồng cảm với anh qua bao khó khăn, sau này sẽ
đồng cảm được với mẹ anh…
Ngày tiễn chị về nhà
chồng mẹ lau nước mắt, ở nhà chồng không lâu nỗi khổ mẹ lo đã sớm vận
vào chị. Mẹ chồng khéo nấu ăn nên chị nấu món gì mẹ chồng cũng lớn tiếng
chê dù bố chồng và chồng khen vừa miệng. Chị rửa bát, lau nhà, giặt
quần áo mẹ chồng cũng chê bai đoảng, vụng. Quả thực nhiều lúc chị không
biết phải làm thế nào mới hài lòng, chỉn chu trong mắt mẹ chồng được. Mẹ
chồng đặt nặng áp lực làm dâu lên vai chị. Không ít đêm chị nằm nghĩ
cực thân khóc thầm, anh chỉ biết vỗ về an ủi dặn chị cố gắng nhẫn nhịn
mẹ. Chị ở nhà dần trở nên ít nói, mẹ chồng có mắng chửi, chị im lặng một
dạ hai vâng, con biết rồi…
Anh điều chuyển công tác về thành phố, chị khăn gói theo chồng. Vợ chồng trẻ
chật vật lo toan cuộc sống mới, không có một chút sự hiện diện hậu
thuẫn hay hỏi han từ phía mẹ chồng. Chẳng phải chị tham tiếc chút của,
chỉ là bạn bè khoe lấy chồng được nhà chồng lo cho cái này cái kia,
trông người hay ngẫm đến mình, còn chị chẳng có gì, từ trước đến giờ vợ
chồng chị thân tự lập thân, nhưng rồi chị tự an ủi “Tự làm tự lo thì được tự do, biết đâu mẹ chồng lo được chút thì kể công hết lời…”.
Chị thở nhẹ nhõm, mọi chuyện sẽ dần yên ấm, vợ chồng giờ chỉ về quê vài
lần trong năm vào dịp công việc, giỗ lễ tết, tránh hẳn cảnh giáp mặt mẹ
chồng hàng ngày.
Chị luôn giữ tình cảm với mẹ chồng không đến mức nặng nề (Ảnh minh họa).
Biết vợ chồng chị vất vả nhưng thi thoảng mẹ chồng gọi điện lên nói lời ngọt nhạt hỏi xin tiền mua sắm vật này vật kia, chị vâng dạ cúp máy, nỗi bực bội không vui luẩn quẩn trong lòng. Sau bình tĩnh lại, suy nghĩ thấu đáo hơn, chị thấy mâu thuẫn với mẹ chồng thì chồng mình khổ tâm nhất, công cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, chị thương mẹ chị thế nào anh cũng thương mẹ anh như vậy, lòng chị dịu lại. Đêm ngủ chị thủ thỉ bàn với chồng xem khoản nào cho mẹ, khoản nào không cho được rồi để chồng tự gọi điện nói cho mẹ hiểu. Sự nhẹ nhàng, khéo léo của chị vừa tránh xung đột với mẹ chồng, vừa làm chồng thoải mái, hài lòng.
Chị sinh con, mẹ chị sức khỏe
yếu không lên chăm được đành nhờ cậy mẹ chồng chị. Mẹ chồng chăm được
tuần đầu, sang tuần thứ hai bà đã bóng gió xa xôi bà chỉ lên chăm cháu,
còn bao việc nhà bà phó thác cho chị. Bà luôn miệng “Ngày xưa tao đẻ đâu được kiêng cữ gì như chúng mày bây giờ”.
Vết mổ chưa lành, chị đã khum lưng nén đau ngồi giặt quần áo, anh nhìn
xót thương vợ, tối tắm xong anh vội vàng ôm quần áo đi giặt, bà trông
thấy làm ầm lên “Chiều nó để nó trèo lên đầu lên cổ cưỡi, việc nhà là của đàn bà sao mày phải mó tay vào”. Chị vội quyệt ngang hàng nước mắt, bảo “Anh vào đi không mẹ nói lời khó nghe, để hết đấy em giặt”.
Mẹ
chồng lên ở thời gian mà nhà chị mất hẳn sự đầm ấm bình yên, tối nào
cũng nghe tiếng mẹ chồng mắng con, mắng cháu, và mắng con dâu là nhiều
nhất. Nhưng người ngoài chỉ toàn nghe thấy tiếng bà mà không thấy tiếng
to tiếng nhỏ nào từ chị. Mặc dù mẹ chồng quá đáng nhưng chị vẫn chiều,
nói năng lễ phép, mua sắm quần áo, thuốc bổ cho mẹ chồng... Chị nghĩ dù
gì bà cũng là mẹ chồng vất vả sinh thành dưỡng dục chồng chị, là bà nội
của con chị, người nhà sống để bụng cay nghiệt với nhau làm gì đâu…
Nhiều
lúc chị ngẫm lại suy nghĩ ngây thơ ngày yêu anh, thì ra chẳng có sự
đồng cảm nào hết giữa mẹ chồng con dâu. Sự bất đồng trong lối sống suy
nghĩ với mẹ chồng làm chị chịu đựng không ít những chuyện buồn, đau
lòng. Bà từng mắng chửi chị bằng những lời có phần chua chát, cay nghiệt
mà đứa con gái quen lớn lên trong gia đình nề nếp như chị không quen
nghe, mặc dù vậy chị luôn giữ tình cảm với mẹ chồng không đến mức nặng
nề, bởi chị nhớ lời mẹ dặn “Ở nhà mình
con cãi mẹ một câu, mẹ vẫn thương con, con vẫn là con mẹ, còn với mẹ
chồng con lỡ lời cãi nửa câu, tình cảm mẹ con sứt vỡ đi rồi, khó hàn gắn
lại”.
Giờ chị đã đi qua 6 năm làm dâu,
thời gian đủ lâu giúp mẹ chồng nhận ra tấm lòng hiếu thuận của chị nên
bà bớt đi đôi phần khó tính, chua chát. Một lần, mẹ chồng đứng cạnh chị
bảo “Tính mẹ nóng nảy, có gì nói nấy, nói rồi lại chóng vánh quên nên con đừng để bụng”.
Chị lại im lặng khẽ mỉm cười bởi chẳng nhớ được chị nghe câu này bao
lần rồi nữa. Các cụ xưa nói “Thật thà như thể lái trâu, thương nhau cũng
thể nàng dâu mẹ chồng” quả không sai, chị chẳng thể đòi hỏi hay trông
mong mẹ chồng thương chị được, nhưng chị vẫn sống bằng tấm chân tình
phải đạo phận dâu con.
Sự nhẫn nhịn bao năm qua giúp chị đi qua sóng gió mâu thuẫn mẹ chồng
nàng dâu, để không ai phải sống day dứt. Nhiều người nói chị thiệt thòi,
chị thì nghĩ đó cũng là một cách để êm cửa, yên nhà.
Theo aFamily